Hội thảo khoa học giới thiệu các công nghệ phục vụ thu hồi dầu tăng cường và tối ưu hoá sản xuất tại Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro)

Updated : 8/18/2022 2:50:38 PM

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu khoa học Lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ngày 10/8/2022, tại thành phố Vũng Tàu đầy năng động và sáng tạo, được sự đồng ý của Lãnh đạo hai bên, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) phối hợp Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề: “Các công nghệ phục vụ thu hồi dầu tăng cường và tối ưu hóa sản xuất”, nhằm mục đích: Một là Giới thiệu các công nghệ của CANTI đã được thương mại hóa và trở thành dịch vụ ở trong và ngoài nước của CANTI, mong muốn được đưa vào phục vụ cho sản xuất của Vietsovpetro; hai là Giới thiệu các công nghệ đã được CANTI nghiên cứu hoàn thiện trong Phòng thí nghiệm, mong muốn được Vietsovpetro hỗ trợ để được thử nghiệm công nghiệp trên mỏ của Vietsovpetro; ba là Giới thiệu các công nghệ mà CANTI mong muốn hợp tác với Vietsovpetro cùng nghiên cứu, thông qua Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn đến 2030.

 

Tham dự buổi Hội thảo, về phía Vietsovpetro có Ông Lê Đăng Tâm- Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất, Ông Nguyễn Quốc Dũng- Phó phòng Kỹ thuật sản xuất, Ông Đào Nguyên Hưng- Trưởng phòng Địa chất khai thác Mỏ, Ông Nguyễn Văn Thiết- Phó Viện trưởng Viện NIPI, Ông Hồ Nam Chung- Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác, Ông Phạm Hồng Khanh- Phó Giám đốc Xí nghiệp Địa vật lý và Lãnh đạo và các chuyên gia, kỹ sư dầu khí của các phòng ban/đơn vị trực thuộc Vietsovpetro.

 

Về phía VINATOM và CANTI có Ông Trần Chí Thành- Viện trưởng Viện NLNTVN, Ông Bùi Quang Trí- Giám đốc CANTI, Ông Đặng Nguyễn Thế Duy- Phó Giám đốc CANTI, Ông Nguyễn Hữu Quang- Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ & đào tạo CANTI và Đại diện các đơn vị trực thuộc, các chuyên gia và cán bộ khoa học của CANTI.

 

Mở đầu Hội thảo, Ông Trần Chí Thành-Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Ông Lê Đăng Tâm- Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất, VSP phát biểu chào mừng, khai mạc Hội thảo.

Ông Trần Chí Thành-Viện trưởng Viện NLNTVN phát biểu chào mừng, khai mạc Hội thảo

 

Sau bài trình bày Giới thiệu về CANTI, các chuyên gia, các nhà khoa học của CANTI giới thiệu 06 công nghệ phục vụ thu hồi dầu tăng cường và tối ưu hoá sản xuất, bao gồm: Công nghệ đánh dấu nước/khí liên giếng bằng chất đánh dấu; Ứng dụng các kỹ thuật bức xạ và kỹ thuật liên quan để khảo sát các hệ thống và thiết bị công nghiệp; Công nghệ và dịch vụ phát hiện các cấu kiện chân đế giàn khoan bị ngập bằng kỹ thuật soi gamma truyền qua; Công nghệ xác định điểm phun (đơn/đa điểm) trong giếng khai thác Gas-lift bằng kỹ thuật đánh dấu; Công nghệ đánh dấu đơn giếng xác định dầu dư bão hoà bằng chất đánh dấu; Phương pháp xác định dầu dư bão hoà trong vùng ngập nước bằng chất chỉ thị tự nhiên.

 

Sau phần trình bày của các chuyên gia thuộc CANTI, các nhà khoa học, chuyên gia dầu khí và các nhà quản lý của hai bên cùng nhau thảo luận làm rõ các công nghệ của CANTI và nhu cầu của Vietsovpetro cũng như khả năng đáp ứng của CANTI.

 

Kết luận buổi Hội thảo, đại diện Vietsovpetro phát biểu hoan nghênh CANTI và VINATOM đã dành thời gian công sức để nghiên cứu công nghệ phục vụ cho ngành dầu khí. Các công nghệ này của CANTI rất cần để phục vụ cho sản xuất của Vietsovpetro trong giai đoạn hiện nay. Đại diện phía Vietsovpetro kết luận:

1. Công nghệ đánh dấu liên giếng: Trong công nghệ này hiện nay CANTI đang thực hiện một hợp đồng với Vietsovpetro, đề nghị CANTI sớm triển khai hợp đồng đã ký theo đúng tiến độ; Ngoài ra, đề nghị CANTI tiếp tục trao đổi với với các đơn vị của Vietsovpetro (Phòng Kỹ thuật sản xuất, Phòng Địa chất khai thác mỏ, Phòng phân tích khai thác của Viện và Xí nghiệp khai thác) để đưa ra hướng nghiên cứu tiếp theo trong những năm tới; Liên quan đến công nghệ đánh dấu liên giếng xác định bão hòa dầu dư, được nhiều cán bộ khoa học, kỹ thuật của Vietsovpetro quan tâm vì nó cho số liệu trên diện rộng. Đề nghị CANTI tiếp tục làm việc với các đơn vị trực thuộc Vietsovpetro để đưa vào áp dụng.

 

2. Công nghệ xác định rò rỉ giếng gas-lift bằng kỹ thuật đánh dấu: Vietsovpetro cũng rất quan tâm, nhu cầu sắp tới rất nhiều. Đề nghị CANTI nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để có thể thử nghiệm công nghiệp. Vietsovpetro sẽ tạo điều kiện cho CANTI thử nghiệm công nghiệp, nhưng với điều kiện Vietsovpetro không phải trả tiền cho thử nghiệm này. Sau khi thử nghiệm thành công Vietsovpetro mong muốn CANTI chuyển giao công nghệ này cho Vietsovpetro.

 

3. Công nghệ đánh dấu đơn giếng xác định dầu dư bão hòa: Đây là vấn đề được Vietsovpetro quan tâm. Đề nghị CANTI tiếp tục trao đổi với với các đơn vị của Vietsovpetro (Phòng Kỹ thuật sản xuất, Phòng Địa chất khai thác mỏ, Phòng phân tích khai thác mỏ của Viện và Xí nghiệp khai thác) để làm rõ một số vấn đề. Vietsovpetro sẽ cho phép thử nghiệm công nghiệp, nhưng với điều kiện nếu thành công Vietsovpetro mới trả tiền.

 

4. Công nghệ xác định dầu dư bão hòa bằng chất chỉ thị tự nhiên: Đề nghị CANTI liên hệ với Xí nghiệp khai thác để lấy mẫu phân tích thử nhằm xem xét tính khả thi của phương pháp. Nếu khả thi thì Vietsovpetro sẽ áp dụng công nghệ này vì nó đơn giản và rẻ tiền nhưng chi hiệu quả cao.

 

5. Công nghệ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và kỹ thuật có liên quan khảo sát trong đường ống, bình bồn bể chứa, chân đế giàn khoan: Vietsovpetro rất quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay Vietsovpetro có 54 công trình, hệ thống đường ống hơn 200km. Những nghiên cứu, giải pháp CANTI giới thiệu có tính thiết thực, có thể áp dụng để giúp tìm ra khuyết tật, ăn mòn, rò rỉ cũng như tắc nghẽn hệ thống công nghệ, đường ống, bình bồn bể chứa và chân đế giàn khoan của Vietsovpetro.

 

6. Các vấn đề khác cần nghiên cứu để đưa ra công nghệ phục vụ cho sản xuất của Vietsovpetro, CANTI có thể phối hợp với Vietsovpetro (thông qua Viện NIPI, hoặc Xí nghiệp Khai thác) đăng ký đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước để thực hiện. Vietsovpetro sẵn sàng hợp tác và có kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện. Khi có kết quả nghiên cứu Vietsovpetro nhận chuyển giao các kết quả đó.

 

Đại diện Vietsovpetro cảm ơn CANTI và VINATOM đã dành thời gian nghiên cứu và đến Vietsovpetro giới thiệu các công nghệ của CANTI cũng như trình bày định hướng hợp tác giữa Vietsovpetro với CANTI và VINATOM.

 

Cuối cùng đại diện VINATOM và CANTI Ông Trần Chí Thành phát biểu, đánh giá CANTI là đơn vị mạnh của VINATOM về lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng trong công nghiệp, trong những năm qua CANTI đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí. Từ trước đến nay, CANTI đã được Nhà nước đầu tư cả kinh phí và thiết bị cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng và sẽ tiếp tục được đầu tư. VINATOM mong muốn Vietsovpetro áp dụng kết quả nghiên cứu của CANTI vào phục vụ cho sản xuất của Vietsovpetro, đồng thời hợp tác với CANTI để nghiên cứu ra những công nghệ mới phục vụ trực tiếp cho sản xuất của Vietsovpetro, đó cũng là chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp. Biên bản Hội thảo đang được hoàn thiện trình Lãnh đạo hai bên phê duyệt để làm cơ sở cho hai bên triển khai thực hiện. Thông qua Hội thảo này, Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp hy vọng sự hợp tác với Vietsovpetro ngày càng phát triển để mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên./.

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

 

Ông Lê Đăng Tâm-Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất phát biểu

 

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Hội đồng KHCN& ĐT Trung tâm trình bày công nghệ tại Hội thảo

 

Ông Đặng Nguyễn Thế Duy, Phó Giám đốc CANTI trình bày công nghệ tại Hội thảo

 

Bà Huỳnh Thị Thu Hương, Trưởng phòng Thí nghiệm Đánh dấu trình bày công nghệ tại Hội thảo

Related news